NHỮNG HIỂU LẦM THƯỜNG GẶP VỀ DU HỌC SINH
NHỮNG HIỂU LẦM THƯỜNG GẶP VỀ DU HỌC SINH
Là một du học sinh, không ít lần mình nghe những câu kiểu như:
“Việt kiều về nước đấy à!”
“Con đi làm thêm bên đó chắc nhiều tiền lắm nhỉ?”
“Quen được anh Tây rồi ở lại luôn chứ con?”
“Lương con ở Việt Nam chắc cũng tầm hai ba chục nhỉ?”…
Thực sự thì mình ngàn lần muốn hét lên là “KHÔNG PHẢI!” Dưới đây là những hiểu lầm thường gặp về du học sinh và mình sẽ giải thích tại sao những điều này là không đúng.
“Du học sinh là Việt kiều?”
Du học sinh không phải là “Việt kiều”. “Việt kiều” được định nghĩa là những người Việt Nam ĐỊNH CƯ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, họ có thể đang mang quốc tịch Việt Nam hoặc/và quốc tịch của nước sở tại (theo Wikipedia).
Tại sao mình lại nhấn mạnh chữ ĐỊNH CƯ như vậy? Đó là bởi vì đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa du học sinh và Việt kiều. ĐỊNH CƯ tức là sinh sống lâu dài tại một nơi nào đó. Du học sinh là những học sinh đi đến một quốc gia khác để học tập trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu một bạn du học sinh tốt nghiệp ra trường, đi làm, xin được “thẻ xanh” hay “permanent residence” và sinh sống lâu dài tại nước ngoài thì lúc đó mới có thể gọi là “Việt kiều”. Còn nếu chỉ với tư cách là một học sinh, được xuất ngoại với “student visa” (visa diện học sinh) thì không gọi là “Việt kiều” đâu nhé!
“Du học sinh nghĩa là nhà giàu lắm?”
Mọi người đều nghĩ chi phí cho việc đi du học là rất cao nên thường quy luôn cho những bạn du học sinh cái mác “giàu có”. Điều này không phải đúng với tất cả! Đúng là có những bạn có bố mẹ hỗ trợ tất cả các chi phí để du học tự túc. Tuy nhiên, cũng có không ít du học sinh được tài trợ học phí hay sinh hoạt phí nhờ vào học bổng. Cũng có những bạn mà gia đình phải bán đất, bán nhà, vay mượn để cho con được đi du học và rồi phải cật lực làm việc nơi xứ người để chi trả các khoản phí.
“Du học sinh làm thêm kiếm được nhiều tiền lắm?”
Câu này đúng nhưng chưa đủ nên cũng được mình xếp vào một trong những hiểu lầm! Đúng là số tiền mà du học sinh kiếm được là nhiều, nhưng đó là so với mức lương ở Việt Nam mà thôi.
Mình sẽ lấy ví dụ ở Úc cho các bạn hiểu rõ nhé! Mức lương tối thiểu hiện nay ở Úc cho 1 giờ làm là 19.84 đô la Úc, xấp xỉ 350000 đồng (1 AUD khoảng 17800 VND) và thuộc top những quốc gia có mức lương tối thiểu cao nhất thế giới. Nhưng thực tế, các bạn sinh viên thường bị chủ ép lương, thường chỉ được trả từ 10 đến 15 đô la một giờ tại các nhà hàng. Ở Úc sinh viên được làm thêm tối đa 20 giờ/tuần, vậy tính ra thu nhập tối đa một tuần sẽ vào khoản 3,5 đến 5,5 triệu. Một con số đáng mơ ước của nhiều người đang làm ở Việt Nam đúng không!
Nhưng thật ra tiền thuê nhà một tuần và các hóa đơn điện nước cũng đã gần 200 đô la, tiền ăn uống 100 đô la. Đó là chưa kể hàng loạt các chi phí khác như sách vở, đi lại, mua sắm quần áo, vé máy bay,… Tính ra số tiền các bạn du học sinh tiết kiệm được không nhiều, đó là chưa kể trường hợp bạn không được làm đủ 20 giờ/tuần. Tất nhiên mình không bàn đến những bạn đi làm chui, làm quá giờ quy định. Đi du học tức là đi học, không phải đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền.
“Du học sinh đi làm có thể chi trả được học phí!”
Tương tự câu trên. Câu trả lời của mình là có thể. Nhưng điều đó đồng nghĩa với bạn vi phạm pháp luật bởi việc làm chui, làm quá giờ quy định như mình đề cập phía trên. Tin mình đi, không có ai chỉ làm thêm ở một nhà hàng hay quán cà phê 20 giờ/tuần mà đủ tiền trả học phí đâu! Không ít bạn đánh đổi thời gian để đi làm mà không chú ý vào việc học dẫn đến việc thi lại, học lại. Số tiền bạn kiếm được lúc đó chưa chắc đủ để trả học phí cho một môn học lại đâu!
Nhiều bạn chọn không về Việt Nam những dịp nghỉ đông hay nghỉ hè để ở lại đi làm (ở Úc sinh viên được đi làm toàn thời gian vào kì nghỉ). Nhưng mình nói thật, thứ duy nhất bạn có được chỉ là tiền thay vì các mối quan hệ, kĩ năng, kiến thức,…
Mình sẽ có một bài nói về việc du học sinh và việc làm thêm sau nhé!
Có thể bạn sẽ quan tâm: ĐI DU HỌC: BAO NHIÊU TIỀN LÀ ĐỦ? (Phần 1: Úc)
DU HỌC SINH ĐI LÀM THÊM KIẾM ĐƯỢC BAO NHIÊU TIỀN? (Phần 1:Úc)
“Phải học giỏi mới được đi du học?”
Có thể đúng với 10 năm trước đây nhưng bây giờ, chỉ cần bạn có tiền là có thể đi du học. Hơi thô lỗ, phũ phàng nhưng đó là sự thật. Mình cũng đã từng nghĩ như thế cho đến khi gặp rất nhiều bạn đi du học chỉ để đắm chìm vào trong thế giới hàng hiệu xa xỉ, có cả những bạn sử dụng dịch vụ làm bài tập hộ để qua môn. Sự thật là chỉ có bạn nào muốn xin học bổng thì mới cần “cày” thôi!
“Đi du học chắc chắn sẽ giỏi ngoại ngữ?”
Chưa chắc! Mình từng gặp nhiều bạn quốc tế nói chuyện với mình nhưng phải dùng Google Dịch để hỗ trợ. Mình còn nhớ ngày xưa, lúc học đại học tại Úc, mình làm bài nhóm với một bạn (không phải người Việt Nam nhưng mình không tiện nói ra quốc tịch để tránh tranh cãi). Bạn này mỗi lần họp nhóm là lại dẫn thêm một bạn khác tới để làm phiên dịch.
Việc giỏi ngoại ngữ hay không là ở chính bản thân các bạn chứ không phải do ai hay ở đâu. Môi trường là một yếu tố quan trọng để giỏi ngoại ngữ nhưng không phải là tất cả. Một chị ngày xưa cùng chỗ làm của mình, dù đã ở Úc hơn 20 năm nhưng vẫn nói tiếng Anh bồi!
Có thể bạn quan tâm: HỌC TIẾNG ANH: BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
“Đi du học thì sẽ lấy vợ/chồng rồi ở luôn bên đó?”
Đây có thể không phải là những hiểu lầm to tát nhưng mình chắc chắn không ít bạn đã từng nghe qua! “Kiếm anh Tây nào cao, to, đẹp trai rồi ở lại luôn bên đó chứ?” là câu chính xác mà mình đã nghe trên dưới 10 lần. Không phải ai cũng thích yêu đương hay kết hôn với người nước ngoài. Và cũng không phải ai cũng muốn kết hôn! Mọi người ơi, du học sinh là đi học, chứ không phải đi kiếm chồng!
“Đi du học sẽ biết được nhiều bạn bè quốc tế?”
Tại sao đây là một hiểu lầm, mình sẽ chia ra làm hai lí do: khách quan và chủ quan.
Lí do khách quan:
Chính là do thành phố, ngôi trường và ngành học mà bạn sẽ theo học. Nếu bạn chọn học ở một nơi có nhiều người Việt sinh sống và học tập thì sẽ chẳng khác gì bạn đang học một trường quốc tế tại Việt Nam. Mình từng học tại trường đại học Wollongong và tại thời điểm đó có tầm 300 sinh viên Việt Nam đang theo học ở đó. Thành phố mình sống khá bé nên số người Việt tính ra cũng khá nhiều. Mình lại học ngành Business nữa nên gặp rất nhiều bạn bè Việt Nam
Lí do chủ quan:
Chính là ở chính bản thân du học sinh. Nhiều bạn đi du học nhưng khá ngại giao tiếp và làm quen với các bạn bè quốc tế nên việc không có nhiều bạn cũng là điều dễ hiểu. Năm đầu tiên đến Úc, mình ở nhà của người Việt, học với người Việt và chơi với người Việt. Đến năm thứ hai, mình mới nhận ra số bạn nước ngoài mình quen chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế mình đã quyết định chuyển nhà sống cùng những bạn người Úc, Trung Quốc và Malaysia. Mình còn tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa ở trường. Từ đó, mối quan hệ của mình được mở rộng và tiếng Anh của mình cũng cải thiện đáng kể.
Mình còn được nhận UOWx Award – giải thưởng của trường đại học Wollongong dành cho những sinh viên có thành tích hoạt động xuất sắc.
Có thể bạn sẽ quan tâm đến bài viết: MÌNH ĐÃ ĐẠT UOWx AWARD NHƯ THẾ NÀO?
“Du học sinh về nước sẽ kiếm được việc trả lương cao?”
Đừng nói đến lương cao hay thấp, du học sinh về nước vẫn phải chật vật kiếm việc và thậm chí thất nghiệp là điều có thật! Những kĩ năng bạn có mới chính là thứ quyết định mức lương chứ không phải dựa vào một tấm bằng được quốc tế công nhận. Như mình đề cập bên trên, du học sinh không phải ai cũng giỏi nên không phải ai cũng có thể tìm được một công việc tốt trả lương cao. Đó là chưa nói đến có một số ngành học cơ hội kiếm việc tại Việt Nam là gần như không.
“Du học sinh đáng ghét vì cách nói chuyện nửa Anh nửa Việt?”
Thực ra đây là một vấn đề của những người nói được nhiều ngôn ngữ. Khi bạn sử dụng tiếng Việt quá nhiều, bạn sẽ bắt đầu quên đi một số từ tiếng Anh và ngược lại. Khi bạn sống trong một môi trường xung quanh toàn là tiếng Anh, não bộ của bạn sẽ quen dần với điều đó và đến khi bạn tìm cách diễn đạt lại bằng tiếng mẹ đẻ, bạn sẽ gặp vấn đề về cách sử dụng từ ngữ. Điều này là hoàn toàn tự nhiên và bình thường.
Đó là chưa kể có những trường hợp bạn không thể dịch sang tiếng Việt cho sát nghĩa được nên phải sử dụng tiếng Anh. Ở đây mình không đề cập đến những người cố tính thể hiện ta đây giỏi tiếng Anh bằng cách chêm những từ hoàn toàn có thể dịch ra bằng tiếng Việt và vẫn giữ nguyên nghĩa (như đoạn video “healthy, balanced” nổi tiếng một thời). Việc đó bị ghét thì mình không có ý kiến gì!
Mình cũng kể cho các bạn một câu chuyện của mình.
Lúc từ Úc về Việt Nam xin việc, mình đã tốn nhiều thời gian để luyện tập trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt. Vì tất cả những lần mình đi phỏng vấn ở Úc đều bằng tiếng Anh (điều hiển nhiên), mình thì lại sợ bị ghét vì nói chuyện nửa Anh nửa Việt nên đã cố gắng chuẩn bị mọi thứ trong đầu bằng tiếng mẹ đẻ. Thế nhưng đến lúc phỏng vấn, chị phỏng vấn mình lại chính là người nói chuyện nửa Anh nửa Việt: “Nếu em interested in cái job này thì liên lạc lại với chị qua địa chỉ mail này nhé!” Mình kể tới đây thôi, mọi người tự đánh giá nhé!
Trên đây là những hiểu lầm to lớn về du học sinh. Hi vọng khi đọc xong mọi người sẽ có một cái nhìn khác về du học sinh nhé!
Cảm ơn rất nhiều!
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về hành trình du học của mình tại đây:
TẠI SAO MÌNH LẠI ĐI DU HỌC NGAY MÙA DỊCH?
NHỮNG ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH ĐI DU HỌC
ĐI DU HỌC: BAO NHIÊU TIỀN LÀ ĐỦ? (Phần 1: Úc)
DU HỌC SINH ĐI LÀM THÊM KIẾM ĐƯỢC BAO NHIÊU TIỀN? (Phần 1:Úc)
DU HỌC SINH CÓ NÊN ĐI LÀM THÊM?
CÂU CHUYỆN LÀM THÊM CỦA MÌNH! (Phần 1)
Xem hành trình đến xứ sở sương mù của mình tại đây.
Xem hành trình trên xứ sở chuột túi của mình tại đây.
*XIN LƯU Ý: Nội dung trên đây thuộc sở hữu của trang web Hành trình của Jenjen. Nếu bạn muốn sao chép hoặc sử dụng bất kì nội dung của trang web, vui lòng để lại bình luận dưới các bài viết hoặc liên lạc qua địa chỉ email: jenng279@gmail.com. Mong bạn ghi rõ link và nguồn khi chia sẻ mọi nội dung của trang web jenjenjourney.com đến các phương tiện khác! Chân thành cảm ơn!