CẨM NANG DU HỌC DU HỌC DU HỌC ÚC HOME

CÂU CHUYỆN LÀM THÊM CỦA MÌNH! (Phần 1)

CÂU CHUYỆN LÀM THÊM CỦA MÌNH! (Phần 1)

Ở Úc, mình từng đi làm thêm trong một nhà hàng Trung Quốc và một quầy sushi nhỏ trong trung tâm thương mại thành phố. Du học sinh đi làm thêm, vui có, buồn có, dở khóc dở cười cũng có. Hôm nay mình sẽ kể cho mọi người nghe những câu chuyện khi mình đi làm thêm ở Úc nhé!

Câu chuyện thứ nhất: Lần đầu tiên được nhận tiền tip (tiền bo của khách)

Nhà hàng mình làm thêm ngày còn đi học ở Úc có quy định là không chia tiền típ. Nếu khách trực tiếp cho ai thì người nấy nhận. Nếu khách cho vào lọ đựng tiền típ ngay chỗ quầy tính tiền thì số tiền đó không được chia cho nhân viên (còn đi đâu thì mình không biết). Nhưng vì ở Úc không có văn hóa típ như Mỹ nên cho dù có nhận được cũng rất ít. Mình còn nhớ rất rõ hôm đó là tối thứ sáu, cũng đông khách như mọi khi. Lúc đó mình đã làm tại nhà hàng đó gần 1 năm. Mình vẫn làm công việc ghi order của khách, bê thức ăn và dọn bàn như mọi khi. Đến khi khách đã về gần hết, bỗng có một vị khách tiến đến gần mình lúc đó đang sắp xếp lại tủ nước ngọt và dúi vào tay mình tờ 20 đô la Úc kèm theo một câu: “This is for you.” – “Cái này cho bạn.”

Mình ngạc nhiên lắm! Đó là một vị khách trung niên, vì khách đông nên mình còn không nhớ rõ là có phục vụ cho người này hay không. Vị khách nói xong thì cũng nhanh quay lưng ra về nên mình cũng chỉ kịp nói cảm ơn. Đó là khoảng tiền tip đầu tiên mình được nhận trong đời và cũng là khoảng tiền tip lớn nhất mà mình nhận được cho đến khi nghỉ làm tại nhà hàng đó (mình làm tại nhà hàng đó hơn 3 năm).

Câu chuyện thứ hai: Chắc mình ăn ở tốt nên được nhiều người thương!

Mình chẳng phải một đứa hiền lành gì đâu nhưng có một điều mình học được khi đi du học chính là “dĩ hòa vi quý”. Thế nên lúc đi làm thêm, mình ít khi, có thể gọi là chưa bao giờ cãi nhau hay xích mích với bất kì ai. Thay vì lời qua tiếng lại, mình thích im lặng mà làm việc hơn. Có lẽ vì vậy mà mấy chú đầu bếp, chị phụ bếp và cô rửa chén rất thương mình. Ở nhà hàng việc gọi món nhầm hay nấu nhầm cũng hay xảy ra. Vì những người trong bếp cũng là nhân viên nên rất sợ, mỗi lần nấu nhầm món phải tìm cách giấu đi. Những lúc như vậy mình luôn là đứa được gọi vào đầu tiên để giấu mang những món đó về nhà ăn. Chị phụ bếp, cô rửa chén, chị quản lí còn hay cho mình trái cây hay mấy đồ ăn vặt từ mua từ chợ Việt Nam. Vậy là những lúc đi làm về, ba lô của mình thường nặng trĩu đồ ăn. 

Nhiều người thắc mắc là tại sao mình có thể làm thêm ở một nơi lâu như vậy, phải đến hơn 3 năm. Bởi vì đa số du học sinh hay nhảy việc, thường thì chỉ làm một chỗ vài tháng rồi đến chỗ khác tốt hơn. Nhà hàng mình làm dù lương chỉ ở mức tương đối nhưng những người làm cùng chính là lí do khiến mình không muốn rời đi. Mình không chắc sẽ tìm được nơi nào tốt hơn ở đó. Chủ tốt, quản lí tốt, người làm cùng cũng tốt, đó chính là động lực đi làm của mình. Sau này khi xin được việc làm tại quán sushi trong trung tâm thương mại với mức lương cao hơn, mình vẫn giữ công việc tại nhà hàng đó vào cuối tuần. 

Câu chuyện thứ ba: Lần đầu tiên chứng kiến khách ăn xong bỏ chạy

Vì là lần đầu tiên chứng kiến cảnh khách ăn quỵt tại nhà hàng nên nhớ rất rõ. Đó là một cặp đôi người Úc tầm 25 – 30 tuổi. Nhìn cách ăn mặc thì mình đoán là chuẩn bị đi bar. Họ vào quán khá muộn, khoảng 9 giờ hơn và đến tầm 9h45 thì ăn xong. Đến lúc tính tiền thì người nam mới nói với chị quản lí rằng đã để quên ví tiền ở nhà nên trở về nhà lấy, còn người nữ ở lại đợi. Một lúc sau, khi người nam đã đi rồi thì người nữ đến xin bật lửa để hút thuốc. Vì nhà hàng có quy định không được hút thuốc bên trong nên vị khách đó phải ra ngoài. Thấy có điều gì đó không ổn, chị quản lí nhắc mình cùng trông chừng vị khách nữ đó vì rất có thể người ta muốn ăn quỵt. Nhưng cũng không thể ra ngoài đứng ngay bên cạnh để giữ người ta được nên mình và những nhân viên khác chỉ biết đứng bên trong quan sát.

Rồi bất thình lình người khách nữ đó bỏ chạy rất nhanh, băng luôn qua đường trong lúc có nhiều xe đang chạy. Chị quản lí và mình đuổi theo nhưng không kịp. May là những món bọn họ đã gọi không quá mắc tiền, hóa đơn khoảng 20 đô la Úc nên chị chủ nhà hàng cũng không trách mắng gì. Còn mình thì thật sự bất ngờ bởi vì đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh này. Mình nghĩ tại một đất nước văn minh như vậy thì chẳng bao giờ có chuyện ăn quỵt. Ngay cả ở những siêu thị lớn còn không có cổng an ninh, khách hàng tự thanh toán nữa mà!

Sau lần đó mới nhận ra không phải ai ở một đất nước văn minh cũng văn minh!

Câu chuyện thứ tư: Tiếng Anh của mình ngày đầu đi làm

Đây là câu chuyện mình đã kể trong bài “Du học sinh có nên đi làm thêm?” nhưng vẫn muốn viết lại ở đây cho những ai chưa đọc.

Sau gần hai tháng đặt chân đến xứ sở chuột túi thì mình xin vào làm trong một nhà hàng Trung Quốc. Lúc đó tiếng Anh mình chưa giỏi và tất nhiên có rất nhiều từ vựng về đồ ăn mà mình không biết. Mình nhớ là mình từng lấy order cho một vị khách người Úc và bà ấy nói không muốn cho “coriander” vào món súp mà bà ấy gọi. Nhưng lúc đó mình thật sự không hề biết “coriander” là ngò và đã nhờ bà ấy nhắc lại một lần nữa. Bà ấy nhận ra là mình không hiểu ý của bà nên đã lấy giấy và bút ra ghi xuống chữ “CORIANDER” thật to cho mình xem! Cũng may là vị khách đó rất tốt bụng nên chỉ cười cho qua chứ không có phàn nàn gì! 

Kể từ đó, mình càng cố gắng học tiếng Anh hơn. Mình còn chụp hình menu của nhà hàng lại, học kĩ tên từng món và thành phần bằng tiếng Anh để không bị “quê độ” như lần đó nữa!

Câu chuyện thứ năm: Không biết nên khóc hay cười

Nhà hàng Trung Quốc mình làm thêm có một vị khách quen là nữ, người châu Phi. Lần nào đến cũng gọi món cá chiên sốt nước mắm chua ngọt. Lần đó chị ấy đến, ăn mặc đẹp hơn mọi khi, lại mang một đôi giày cao gót khoảng 15 cm. Vừa bước vào cửa chị ấy đã bị vấp chân mà ngã ngay gần bậc tam cấp vào nhà hàng. Lúc đó mình hoảng hốt liền chạy đến hỏi han nhưng không dám động vào chị ấy vì nhỡ có gãy xương thì không hay. Mình liền gọi cho quản lí nhà hàng ra và gọi xe cứu thương. Một điều buồn cười đó là chị ấy lúc thấy chị quản lí chạy ra, dù mặt đang nhăn nhó vì đau nhưng cũng không quên nói câu: “Can you order the fish for me, please?” – “Có thể gọi giúp tôi món cá được không?”

Thật hài hước đúng không! Dù đau nhưng vẫn không quên cái bụng đói. Lúc xe cứu thương đến thì món cá của chị ấy cũng vừa làm xong. Mình gói lại cho chị ấy mang lên xe cứu thương đến bệnh viện. Chắc chỉ là trật khớp nhẹ vì gần 2 tuần sau thì đã thấy chị ấy quay lại và vẫn gọi món cá yêu thích như thường lệ.

Lần đó mình thật sự đã rất hoảng vì khách bị thương ngay trong nhà hàng, lại còn đúng vào ca làm của mình. Nhưng mỗi lần nghĩ lại chuyện chị khách đó vẫn còn tâm trạng gọi món ăn trong khi còn nằm đau đớn trên sàn, mình lại bật cười. May là chị ấy chỉ bị thương nhẹ!

CÒN TIẾP…..

Chờ đón phần tiếp theo nữa nhé!

*Nguồn ảnh: canva.com

Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về hành trình du học của mình tại đây:

NHỮNG ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH ĐI DU HỌC

TẠI SAO MÌNH LẠI ĐI DU HỌC NGAY MÙA DỊCH?

CÓ NÊN ĐI DU HỌC HAY KHÔNG?

NHỮNG HIỂU LẦM THƯỜNG GẶP VỀ DU HỌC SINH

10 ĐIỀU ĐI DU HỌC ĐÃ DẠY MÌNH

ĐI DU HỌC: BAO NHIÊU TIỀN LÀ ĐỦ? (Phần 1: Úc)

DU HỌC SINH ĐI LÀM THÊM KIẾM ĐƯỢC BAO NHIÊU TIỀN? (Phần 1:Úc)

DU HỌC SINH CÓ NÊN ĐI LÀM THÊM?

Xem hành trình đến xứ sở sương mù của mình tại đây.

Xem hành trình trên xứ sở chuột túi của mình tại đây.

*XIN LƯU Ý: Nội dung trên đây thuộc sở hữu của trang web Hành trình của Jenjen. Nếu bạn muốn sao chép hoặc sử dụng bất kì nội dung của trang web, vui lòng để lại bình luận dưới các bài viết hoặc liên lạc qua địa chỉ email: jenng279@gmail.com. Mong bạn ghi rõ link và nguồn khi chia sẻ mọi nội dung của trang web jenjenjourney.com đến các phương tiện khác! Chân thành cảm ơn!

Trả lời