CHIA SẺ KINH NGHIỆM HOME SỐNG

HỌC TIẾNG ANH: BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

HỌC TIẾNG ANH: BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Có lẽ câu hỏi này mọi người đã nghe nhiều rồi và nếu các bạn tìm kiếm trên Google thì sẽ thấy hàng ngàn câu trả lời. Mỗi người là mỗi tư duy, mỗi khả năng nên đương nhiên cách học cũng không giống nhau. Bài viết này mình sẽ chia sẻ các cách mà mình đã từng thử và thấy hiệu quả trong việc trau dồi khả năng tiếng Anh. Như mình đã nói, những cách này có thể là ổn đối với người này nhưng lại không hay đối với người kia nhưng mình hi vọng rằng thông tin mình chia sẻ có thể giúp ích cho những bạn mất gốc hoặc mới bắt đầu học tiếng Anh!

Phần 1: Cách học

1. Về ngữ pháp:

Dù bạn chỉ muốn học giao tiếp hay học để lấy những chứng chỉ tiếng Anh thì có những điểm ngữ pháp QUAN TRỌNG mà bạn phải nắm vững

+ Thứ nhất: Các thì trong tiếng Anh (tiếng Anh có 12 thì, nhưng nếu là người mới bắt đầu, hãy nắm vững các thì HIỆN TẠI ĐƠN, HIỆN TẠI TIẾP DIỄN, TƯƠNG LAI ĐƠN, QUÁ KHỨ ĐƠN, HIỆN TẠI HOÀN THÀNH)

+ Thứ hai: Sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ

+ Thứ ba: Cấu trúc bị động 

+ Thứ tư: Danh từ đếm được, không đếm được và các dạng số nhiều của danh từ đếm được.

Nhiều bạn nói rằng học giao tiếp thì ngữ pháp không quan trọng. Là một người sống tại Anh và Úc như mình, điều này không sai. Nhưng trên quan điểm cá nhân của mình, ngữ pháp hay cách phát âm đều quan trọng như nhau nếu các bạn muốn trình độ của mình ngày một nâng cao. 

2. Về từ vựng:

Có rất nhiều cách học mà mình từng trải qua:

  • Học từ vựng theo chủ đề: Mỗi tuần bạn có thể chọn cho mình một chủ đề nào đó. Ví dụ bạn thích chủ đề “Sports” hãy tìm những từ hay dùng có liên quan đến chủ đề này và học.
  • Học bằng flashcard: Đây là cách cho đến giờ mình vẫn dùng. Mình thường tự làm flashcard, và tự vẽ hình trang trí vào để có thể dễ nhớ hơn.
  • Học từ vựng theo “family”: Tức là khi bạn học một từ mới, hãy tìm hiểu cả danh từ, động từ, tính từ hoặc trạng từ của nó
  • Học bằng cách dùng từ đồng nghĩa trái nghĩa: Cách này áp dụng cho những bạn đã có căn bản tiếng Anh thì sẽ hiệu quả hơn bởi vì có những từ đồng nghĩa không phải lúc nào cũng có thể thay thế cho nhau. Nếu dùng một cách vô tội vạ thì câu của bạn sẽ không tự nhiên.
  • Cho ví dụ: đây cũng là một cách hay để nhớ từ lâu hơn. Hãy cố gắng cho những ví dụ gần gũi với bản thân mình.
  • Học từ vựng từ những bài nghe, bài đọc: Đây là một cách mà bạn có thể dùng để phát triển không những từ vựng mà còn về khả năng nghe và đọc của mình nữa.
  • Học từ vựng bằng cách dịch những thứ xung quanh mình. Có bao giờ bạn tự hỏi cái muôi múc canh hay cái máy đánh trứng trong tiếng Anh là gì chưa? Hãy bắt đầu với những thứ quen thuộc xung quanh mình!
  • Học từ vựng bằng phương pháp “trộn ngôn ngữ”: Đây là cách gần đây mình thấy rất thú vị. Bạn đến https://www.facebook.com/tron.ngon.ngu để tìm hiểu thêm nhé!

Mình không thể nói cách nào là hiệu quả nhất vì mình đều dùng tất cả các cách học trên. Tùy theo mỗi người sẽ có hứng thú với cách này hay cách kia. Nhưng có một điều bạn nên lưu ý, học từ vựng quan trọng chính là sự lặp đi lặp lại. Hãy đảm bảo rằng từ bạn học hôm nay tuần sau hay tháng sau bạn cũng có thể nhớ. Đừng bị áp lực “mỗi ngày học 5 từ” đè nặng. Bạn có thể thuộc hết 5 từ hôm nay nhưng qua ngày mai số từ bạn nhớ không phải là 5. Chỉ cần học 1 từ, nhưng chắc chắn rằng bạn biết cách dùng từ đó. 

3. Về phát âm:

+ Đầu tiên các bạn phải nắm rõ cách phát âm từng chữ trong bảng chữ cái Alphabet. Đây là việc rất quan trọng bởi vì nếu sau này khi giao tiếp với một ai đó, nếu có từ bạn không hiểu, bạn có thể hỏi cách đánh vần và tìm hiểu nghĩa của từ đó.

+ Về phiên âm IPA, mình nghĩ cái này không cần thiết bởi vì chỉ những người mà chuyên ngành của họ là về ngôn ngữ Anh hay giáo viên dạy tiếng Anh mới cần phải nghiên cứu. Cho những bạn mới bắt đầu, hãy cố nhớ cách phát âm của từ thay vì học phiên âm IPA của nó.

Dưới đây là một số kênh dạy phát âm mà mình thấy rất hay:

+ BBC Learning English: https://www.youtube.com/user/bbclearningenglish 

+ Shaw English Online: https://www.youtube.com/user/ShawEducation 

4. Về ngữ điệu

Có rất nhiều bạn bị áp lực bởi việc mình không nói được như người bản xứ! Vậy để mình kể cho các bạn nghe điều này. Một nửa giảng viên đại học từng dạy mình là người đến từ các nước không nói tiếng Anh. Nhiều người trong số họ đã sinh sống tại Úc hơn 10 năm nhưng khi họ nói chuyện, mình lập tức biết được họ từ đâu đến. Có nghĩa là cô giáo người gốc Ấn Độ thì sẽ nói tiếng Anh giọng Ấn Độ, thầy giáo người Ý sẽ có cách phát âm tiếng Anh của người Ý,… Vậy nên, khi mới bắt đầu, hãy chú ý vào cách phát âm của từng từ trước. Luyện tập ngữ điệu là cả một quá trình dài tích lũy từ khả năng nghe, khả năng bắt chước giọng người bản xứ nên đừng nản lòng nhé! 

Một số kênh Youtube bạn có thể follow:

+ English with Lucy (cho những bạn muốn học giọng Anh – Anh): https://www.youtube.com/channel/UCz4tgANd4yy8Oe0iXCdSWfA 

+ Speak English with Vanessa (cho những bạn muốn học giọng Anh – Mĩ): https://www.youtube.com/user/theteachervanessa  

+ mmmenglish: https://www.youtube.com/channel/UCrRiVfHqBIIvSgKmgnSY66g 

5. Kĩ năng nghe

Đây là kĩ năng có lẽ nhiều bạn sẽ thấy khó khăn khi mới bắt đầu. Mình từng nghe rất nhiều bạn nói rằng, khi nghe trực tiếp người bản xứ nói thì có thể hiểu được nhưng đến khi làm bài tập với những bản audio thì không nghe được gì. Việc này có nhiều lí do và mình cũng sẽ chỉ ra cách để khắc phục.

  • Lí do thứ nhất: Khẩu hình miệng

Khi bạn gặp trực tiếp một người nói tiếng Anh, khi họ nói chuyện bạn có thể nhìn vào khẩu hình miệng của họ mà đoán từ. Nhưng trên bản audio thì không.

  • Lí do thứ hai: Do phản xạ nghe

Đây là do bạn không thường xuyên nghe tiếng Anh. Có một thời gian mình nghỉ hè về Việt Nam chơi gần 2 tháng. Thời điểm này hầu như mình không tiếp xúc với người nước ngoài, thỉnh thoảng tuy có nghe BBC News nhưng cũng không nhiều. Và thế là khi quay trở lại Úc học, mình phải mất 1 đến 2 tuần mới dần quen trở lại.

  • Lí do thứ ba: Giọng Anh từ nhiều vùng khác nhau

Bạn hãy tưởng tượng Việt Nam nhỏ bé như vậy nhưng có biết bao giọng điệu khác nhau từ Bắc vào Nam thì tiếng Anh cũng vậy thôi! Bạn hay nghe giọng Anh – Mĩ nhưng đến bản audio thì nghe Anh – Anh hoặc Anh – Úc thì chắc chắn sẽ thấy khó nghe.

Vậy cách khắc phục ở đây là gì? NGHE VÀ NGHE NHIỀU HƠN NỮA. Practice makes perfect! 

Cách học nghe:

Mình khuyên các bạn hãy bắt đầu với những đoạn hội thoại hoặc đoạn văn ngắn dưới 100 chữ.

  • Đầu tiên, lúc luyện tập ở nhà, đừng bật bản audio vội mà hãy đọc phần “Script” – Lời thoại trước. Đọc qua 1 lần, tìm ra các từ vựng và kể cả điểm ngữ pháp mà bạn không hiểu. Sau đó hãy tìm hiểu nghĩa của các từ này, Google và từ điển có lẽ là những người bạn tốt nhất của bạn lúc này!
  • Sau đó hãy bật bản audio lên nghe lần thứ nhất, nhớ là chỉ nghe và không làm gì cả!
  • Lần nghe thứ hai, hãy ghi lại tất cả những chữ mà mình nghe được. Phương pháp này chắc nhiều bạn đã biết, đó là chép chính tả.
  • Lần nghe thứ ba, hãy tiếp tục hoàn thành những gì bạn nghe sót từ lần nghe trước. Và nếu ở lần này bạn chưa thể viết hết được đoạn văn thì hãy tiếp tục nghe thêm lần thứ tư, thứ năm hoặc cho đến khi nào bạn thấy mình không thể viết thêm được nữa.
  • Lúc này, hãy mở đoạn script ra và kiểm tra lại mình đã sai hãy đã nghe thiếu những từ gì và tìm ra lí do tại sao mình sai. Là do mình phát âm sai dẫn đến nghe sai, là do người đọc quá nhanh hay vì một lí do nào khác! Nếu là vì phát âm, hãy chỉnh lại phát âm của mình. Nếu là vì tốc độ, hãy thử chỉnh tốc độ chậm hơn để làm quen rồi từ từ chuyển đến tốc độ bình thường.
  • Lần nghe cuối cùng, hãy vừa nghe và vừa đọc theo đoạn script mà bạn đã hoàn thành!

Quá trình này rất tốn thời gian và rất nhiều người đã bỏ cuộc nhưng bằng kinh nghiệm 15 năm học tiếng Anh của mình, đây là cách mình cho là hiệu quả nhất! Mình cũng giống nhiều bạn, kĩ năng nghe từng là khả năng yếu nhất của mình nhưng lâu dần, nó lại trở thành khả năng mà mình tự tin nhất.

Ngoài ra hãy thường xuyên nghe một cách thụ động tiếng Anh. Bạn có thể nghe trên BBC News, Youtube hay bất kì một video có người nói tiếng Anh nào trên Facebook. Bạn có thể nghe trong lúc ăn cơm, nấu nướng hay tắm giặt và chỉ đơn giản là nghe thôi, để não bộ có thể rèn luyện phản xạ nghe tiếng Anh của bạn.

Những kênh bạn có thể luyện nghe:

+ TED: https://www.youtube.com/channel/UCAuUUnT6oDeKwE6v1NGQxug 

+ TEDxTalks: https://www.youtube.com/channel/UCsT0YIqwnpJCM-mx7-gSA4Q 

Kĩ năng nói

Đây cũng là một kĩ năng khó không kém! 

  • Cách học của mình chính là bắt chước! Mình xem rất nhiều các clip tiếng Anh và nhại theo giọng của người bản xứ bắt đầu từ những câu khẩu ngữ đơn giản. Mình bắt đầu học từ cách nói chữ “Hello” sao cho “Tây” rồi từ từ đến những cụm từ, rồi đến một câu.
  • Một cách nữa có thể kết hợp lúc bạn học nghe đó chính là tự đọc to lại bản script của audio mà bạn đã nghe được. 
  • Tự nói chuyện với chính mình trước gương: Đừng vội cho những người này là “khùng” bởi vì đây là cách rất hiệu quả cho bạn luyện tập không khả năng nói mà còn về ngôn ngữ hình thể nữa. 
  • Tìm kiếm người để luyện tập: Đây là bước quan trọng bạn NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀM để muốn nói tiếng Anh hay. 
  • Có nhiều bạn gặp khó khăn khi trả lời một câu hỏi bằng tiếng Anh nhưng khi yêu cầu trả lời trên giấy lại viết rất tốt. Đó chính là do phản xạ. Hãy luyện tập nhiều hơn nữa để có được một phản xạ tốt. 
  • Dịch lại những suy nghĩ trong đầu mình: Thỉnh thoảng hãy thử dịch lại những gì mình muốn nói bằng tiếng Anh. Ví dụ muốn hỏi bạn bè: “Bạn đã làm bài tập nhà chưa?”, hãy thử nói câu này bằng tiếng Anh với chính mình.

Phần 2: Lời khuyên

  • Hãy hình thành cho mình một thói quen đọc. Một bài viết dù là tiếng Anh hay tiếng Việt đều cần phải có sự logic ở trong đó. Hãy học từ những điều nhỏ nhặt trong mỗi bài viết mà bạn đọc, là từ vựng, cách dùng từ, cách sắp xếp ý tưởng,… Đây là một bước quan trọng để bạn có thể cải thiện được khả năng viết của mình.
  • Mỗi ngày hãy viết một đoạn văn ngắn, về bất cứ điều gì bạn đang nghĩ, hoặc đơn giản hơn, chỉ là một câu ngắn có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ dựa trên những từ vựng bạn vừa học. Mỗi ngày một câu, qua một tuần bạn đã có một câu chuyện! Điều quan trọng ở đây là phải có người sửa bài bạn viết để biết được bạn viết đúng và sai ở đâu.

Các app học tiếng Anh:

Đây là những app mình đã từng dùng để học tiếng Anh:

+ Duolingo: App này khá nổi tiếng cho những ai muốn học ngoại ngữ, không chỉ riêng tiếng Anh. Nếu bạn muốn học giao tiếp, mình khuyến khích bạn sử dụng.

+ Elsa Speak: Đây là ứng dụng học phát âm rất hay của Việt Nam và mình chắc chắn là nhiều bạn đã biết.

Từ điển học tiếng Anh:

+ Từ điển Thesaurus: Đây là từ điển bạn có thể tra những từ đồng nghĩa và trái nghĩa, rất hay nhưng như mình nói ở trên, không phải từ đồng nghĩa nào cũng thay thế cho nhau được nên với những bạn mới bắt đầu, hãy cẩn thận.

+ Cambridge: Đây là từ điển Anh – Anh chuẩn, có giải thích nghĩa và cho cả ví dụ bằng tiếng Anh nữa. Học từ vựng qua từ điển này theo mình thấy cũng là một cách rất hiệu quả.

Facebook:

Thay vì lướt Facebook một cách vô bổ, hãy vào những trang có thể giúp ích cho việc học tiếng Anh của bạn!

+ Nas Daily Tiếng Việt: https://www.facebook.com/NasDailyVietnam : đây là một kênh mình thấy thật sự rất tuyệt cho những bạn bận rộn. Chỉ với 1 phút mỗi ngày bạn có thể học được rất nhiều thứ hay, không chỉ về tiếng Anh mà còn về kiến thức xã hội nữa.

+ Smile Squad: https://www.facebook.com/smilesquad : đây cũng là một nơi mà bạn có thể vừa học tiếng Anh vừa biết được văn hóa của nhiều nơi trên thế giới.

Trên đây là tất cả những chia sẻ của mình rút ra từ vô vàn lần thử hết cách này đến cách khác để học tiếng Anh. Mình muốn nói rằng đừng nản lòng vì việc học là cả một quá trình rất dài. Có một số điều các bạn nên lưu ý:

+ Đừng bao giờ nghe những lời quảng cáo của các khóa học trên mạng hay các trung tâm “cam kết 6 tháng nói tiếng Anh như người bản xứ” này nọ! Tất nhiên mình không nói đây là lừa đảo hay gì khác, chỉ đơn giản mỗi người có một khả năng khác nhau và thời gian để đạt được mục tiêu cũng sẽ khác nhau. Mình đã tốn hơn 15 năm để có thể đạt trình độ bây giờ và vẫn phải đang tiếp tục học mỗi ngày để cải thiện!

+ Đừng hỏi mình có giáo trình nào ổn cho người học tiếng Anh hay không! Không có đâu! Giáo trình tốt nhất chính là quyết tâm của bạn đó! Học một ngôn ngữ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nếu bạn tự học, điều đó còn khó hơn gấp bội! Bạn không có lòng kiên định, thầy giỏi sách hay cũng không giúp bạn giỏi hơn được. Dù là để giao tiếp, làm việc, hay học tập, hãy học một cách có mục tiêu rõ ràng. HÃY KIÊN TRÌ!!!

+ Đừng nói rằng các bạn quá bận, không có thời gian để học. “Nếu muốn sẽ tìm cách, không muốn sẽ tìm lí do.” Mình không chỉ trích ai, chỉ muốn nói rằng hiện tại mình vừa quản lí một blog cá nhân, vừa học Thạc sĩ, vừa dạy tiếng Anh, vừa học thêm tiếng Trung và tiếng Hàn. Thời gian là do bạn tạo ra! Như mình đã viết ở trên, dù chỉ là một video ngắn ngủi trong vòng 1 phút, bạn đã có thể học được rất nhiều điều.

Chúc các bạn thành công!

Nguồn ảnh: canva.com

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH BÀI VIẾT:

5 KÊNH YOUTUBE TIẾNG ANH HAY MÀ BẠN NÊN XEM

TOP 10 TRANG WEB SIÊU CÓ ÍCH BẠN NÊN BIẾT

*XIN LƯU Ý: Nội dung trên đây thuộc sở hữu của trang web Hành trình của Jenjen. Nếu bạn muốn sao chép hoặc sử dụng bất kì nội dung của trang web, vui lòng để lại bình luận dưới các bài viết hoặc liên lạc qua địa chỉ email: jenng279@gmail.com. Mong bạn ghi rõ link và nguồn khi chia sẻ mọi nội dung của trang web jenjenjourney.com đến các phương tiện khác! Chân thành cảm ơn!

Trả lời