CHIA SẺ KINH NGHIỆM HOME SỐNG TÂM SỰ

LÀM SAO ĐỂ RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ?

LÀM SAO ĐỂ RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ?

Tiếp theo bài viết TRÊN ĐỜI NÀY KHOẢNG CÁCH NÀO LÀ DÀI NHẤT? , hôm nay mình sẽ chia sẻ về cách gia đình mình rút ngắn khoảng cách thế hệ nhé!

Chuyện “ngày xửa ngày xưa”

Ba má mình đều là những người sinh ra và lớn lên trong bom đạn của chiến tranh nên chẳng khó hiểu khi mình được nghe rất nhiều câu chuyện “ngày xửa ngày xưa”. Ba hay kể về những lần chạy trốn giặc, những lần giặc ném bom tàn phá xóm làng. Má hay kể về những ngày tháng các cậu các dì tranh nhau miếng cơm cháy ở đáy nồi, những ngày tháng phải đi cả chục cây số để gánh nước. Thế nhưng những cái “ngày xửa ngày xưa” đó  chẳng phải để so sánh với hiện tại, chẳng phải để dè bỉu thế hệ trẻ sống trong sung túc mà không biết trân trọng. Những cái “ngày xửa ngày xưa” đó là để nói cho chị em mình biết rằng, ba má đã đi lên từ bao gian khó, cực khổ để có được ngày hôm nay thì các con sau này, không có lí do gì gặp khó khăn mà từ bỏ. 

Thế hệ trẻ – họ có những lợi thế về công nghệ thông tin, được thừa hưởng cơ sở vật chất đầy đủ. Thế nhưng, cơ hội và thách thức luôn đi kèm với nhau. Thế hệ Y và Z ở Việt Nam sống trong một thế giới hòa bình và tương đối đầy đủ, nhưng không đồng nghĩa với việc họ không có những thách thức khác đang chờ: môi trường, sự phát triển chóng mặt của công nghệ, khó khăn trên con đường xây dựng thương hiệu của bản thân,… Vậy nên, những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” chính là động lực, là nguồn cảm hứng để thế hệ trẻ đi tìm ước mơ và vượt qua những khó khăn trong tương lai, chứ không phải là thứ khiến họ cảm thấy xấu hổ khi nhận ra bản thân không làm tốt dù được sống trong sung sướng.

Chuyện nhạc rap

Người lớn tuổi không hiểu được rap, người trẻ không thấm nổi nhạc xưa…

Nhưng làm sao gia đình mình có thể dung hòa?

Từ thuở còn nằm nôi, ngoài những câu hát ru truyền miệng, ba má còn ru chị em mình ngủ bằng những bản nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh, nhạc Bolero. “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Màu hoa đỏ”, “Diễm xưa”,… đến bây giờ thỉnh thoảng mình vẫn còn ngân nga. List nhạc trong điện thoại của cô Út nhà mình là những ca khúc của Lệ Quyên.

Nếu nói ở nhà, má mình hay hát nhạc của Đen Vâu, Binz, G Ducky chắc nhiều người sẽ bất ngờ nhỉ! Đúng là nhạc rap là thể loại kén người nghe. Nhưng nếu hiểu từng câu từng chữ của lời rap thì mới cảm nhận được cái hay của thể loại này. Ở nhà em trai mình hay bật nhạc rap nghe. Ban đầu ba má còn khó chịu, nhưng đúng kiểu “mưa dầm thấm lâu”, dần dần nhạc rap đã trở thành một phần trong bữa cơm gia đình. Đặc biệt là năm ngoài khi King of Rap và Rap Việt diễn ra, mỗi bữa ăn đều không thiếu những câu rap rất đời: “Có rất nhiều thứ có thể mua được bằng tiền. Nhưng con tim ta thì tiền không được làm phiền” – (Tiền nhiều để làm gì – GDucky).

Chuyện xỏ khuyên

Bạn nghĩ gì khi thấy một đứa con trai xỏ khuyên tai? Có thể ở những nơi khác, con trai xỏ khuyên là việc bình thường. Nhưng ở quê mình, 10 người thì cũng phải đến 8 người nhìn với ánh mắt khó chịu, nếu không muốn nói là kì thị. 

Và rồi một ngày em trai mình muốn xỏ khuyên tai…

Trước khi đi xỏ khuyên tai, nó đã hỏi ý kiến ba má trước. Ba má mình đều là công chức nhà nước, lại khá nghiêm khắc. Vậy họ đã làm gì? Nghiêm cấm, quát mắng, quở trách, hay thậm chí đánh đập? 

Câu trả lời là không cái nào cả! Mình cũng từng nghĩ rằng: “Thôi rồi, chắc thằng cu no đòn!” Nhưng chính mình cũng khá bất ngờ với cách ba má mình phản ứng. Má chỉ nhẹ nhàng hỏi mình: “Con nghĩ sao về việc em xỏ khuyên tai?” và lắng nghe ý kiến của chị em mình trước thay vì có phản ứng mạnh.

Tất nhiên ba má mình cũng như nhiều phụ huynh khác không hề thích việc con trai mình xỏ khuyên tai. Nhưng mình biết một điều, nếu họ phản ứng dữ dội, liệu trong nhà có còn êm ấm!

Chuyện tình yêu

“Lo học đi nghe chưa! Cấm tụi con yêu đương đó!” – 12 năm đi học, chưa bao giờ chị em mình nghe ba má nói những câu như vậy. Việc lấy chồng, sinh con mình cũng chưa từng bị ba má thúc ép mặc dù ở tuổi mình, biết bao bạn bè đã yên bề gia thất. “Có chồng cũng được. Độc thân cũng được. Hạnh phúc, vui vẻ là được” – má mình từng nói như thế. Thời của ba má, khổ cực và định kiến có thể là những rào cản lớn nhất khiến họ không thể sống như mình mơ ước. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã khác. Nếu sai, bạn có quyền chọn lại, nhưng nhất định phải có trách nhiệm với quyết định của mình cho đến cùng!

Mọi người có biết mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu không?

Liệu mọi người có thắc mắc rằng tại sao em trai mình có thể dễ dàng nói cho ba má về chuyện mình xỏ khuyên tai thay vì giấu giếm? Liệu mọi người có thắc mắc rằng tại sao ba má mình chẳng bao giờ cấm đoán con cái chuyện yêu đương? Liệu mọi người có thắc mắc rằng mình có cảm thấy chán khi nghe đến thuộc lòng những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa”? Và liệu mọi người có thắc mắc rằng tại sao gia đình mình lại có thể dễ dàng chia sẻ với nhau tất cả mọi điều?

Nó nằm ở hai từ LẮNG NGHETÔN TRỌNG! Từ nhỏ, mình hay kể chuyện bạn này bạn kia ở lớp yêu nhau. Em mình hay kể về việc bạn nó hút thuốc, uống rượu khi còn đi học. Nhưng ba má mình khi nghe, sẽ chỉ hỏi rằng: “Con nghĩ gì việc đó?” rồi để chị em mình tự suy nghĩ và phân tích là đúng hay sai. Giả sử nếu ba má nói những câu đại loại như: “Cấm con không được như thế!” hay “Con mà như thế là về no đòn!” thì liệu rằng lần sau, bọn mình còn dám kể những gì mình biết cho ba má nghe. Và việc không chia sẻ đó chính là nguyên nhân gây nên những vết nứt trong tình cảm gia đình! Phụ huynh cấm đoán con cái, thì con cái sẽ tìm cách che giấu. Và nếu đã giấu được một lần, sẽ giấu thêm vạn lần nữa! 

Một điều quan trọng nữa chính là gây dựng NIỀM TIN từ cả hai thế hệ! 

Trên đây là những chia sẻ về cách gia đình mình rút ngắn khoảng cách thế hệ. Cảm ơn mọi người đã đón đọc!

*Nguồn ảnh: canva.com

CÓ THỂ BẠN SẼ QUAN TÂM BÀI VIẾT: TRÊN ĐỜI NÀY KHOẢNG CÁCH NÀO LÀ DÀI NHẤT?

*XIN LƯU Ý: Nội dung trên đây thuộc sở hữu của trang web Hành trình của Jenjen. Nếu bạn muốn sao chép hoặc sử dụng bất kì nội dung của trang web, vui lòng để lại bình luận dưới các bài viết hoặc liên lạc qua địa chỉ email: jenng279@gmail.com. Mong bạn ghi rõ link và nguồn khi chia sẻ mọi nội dung của trang web jenjenjourney.com đến các phương tiện khác! Chân thành cảm ơn!

Trả lời