NHỮNG ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH ĐI DU HỌC
NHỮNG ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH ĐI DU HỌC
Tiếp theo bài viết “Có nên đi du học hay không?”, bài viết này mình sẽ phân tích những điều cần cân nhắc trước khi quyết định đi du học.
1. Mục đích
Bạn phải xác định mục đích của việc đi du học là để làm gì? Hay đi du học chỉ là một con đường để bạn đạt được một mục đích nào khác?
Đi du học tức là đến một quốc gia khác để học tập những điều mới mẻ, những điều có ích để phát triển bản thân. Đi du học là đi HỌC và TRẢI NGHIỆM, không phải đi xuất khẩu lao động hay đi lấy chồng!
Nếu đi du học để được định cư thì bạn hãy đọc mục 4 và 5 của bài viết.
Nếu đi du học chỉ vì muốn kiếm tiền thì xin hãy đọc những bài viết sau của mình:
DU HỌC SINH CÓ NÊN ĐI LÀM THÊM?
DU HỌC SINH ĐI LÀM THÊM KIẾM ĐƯỢC BAO NHIÊU TIỀN? (Phần 1:Úc)
Tóm lại, hãy xác định rõ mục đích của việc đi du học: đi học, trải nghiệm, kiếm tiền, kết hôn hay định cư?
2. Tài chính
Đây là một trong những điều quan trọng bạn cần chuẩn bị quyết định xem có thể đi du học hay không. Mình sẽ không nói đến những bạn nhận được học bổng toàn phần hoặc những bạn mà gia đình “siêu có điều kiện”.
Trong bài viết trước, mình đã đề cập đến tốn kém là một trong những mặt trái của việc đi du học. Nếu bạn muốn biết chi phí cụ thể, hãy đọc bài viết “Đi du học: Bao nhiêu tiền là đủ?” của mình.
Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau trước khi quyết định nhé!
“Hiện tại đã có được bao nhiêu tiền?”
“Có thể vay mượn được bao nhiêu?”
“Có thể kiếm được bao nhiêu tiền trong tương lai để trả nợ?”
Sự thật là một số bạn có thể đi làm thêm trong lúc đi học để trang trải học phí và sinh hoạt phí. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc họ đã đánh đổi rất nhiều!
Bạn có thể muốn đọc “Du học sinh đi làm thêm kiếm được bao nhiêu tiền?” và “Du học sinh có nên đi làm thêm?”
Hãy suy nghĩ thật kĩ nhé!
3. Khả năng ngoại ngữ
Thật ra không chỉ về ngoại ngữ mà còn về khả năng tiếp thu của bạn nữa. Hãy biết mình đang ở đâu! Đừng đua đòi theo những người khác để rồi phải hối hận sau này! Có những bạn thi IELTS được 7.0 nhưng vẫn không hiểu người bản xứ nói gì! Mình cũng gặp không ít những bạn du học sinh sử dụng Google Dịch để giao tiếp. Tiếng Anh sách vở và tiếng Anh giao tiếp không giống nhau. Những người nói tiếng Anh với bạn ở Việt Nam sẽ khác với những người ở nước ngoài. Việt Nam nhỏ bé mà đã có biết bao nhiêu giọng điệu từ các vùng miền huống gì là tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Đi du học bạn sẽ gặp 7749 giọng khác nhau chứ không đơn giản chỉ có Anh – Anh và Anh Mĩ.
Ngôn ngữ chính là rào cản lớn nhất ngăn bạn đạt được mục đích của việc đi du học, bất kể mục đích đó là gì. Bây giờ có thể bạn chưa giỏi ngoại ngữ nhưng hãy chắc chắn rằng kĩ năng của bạn phải được cải thiện từng ngày. Vì vậy nếu bạn có ý định đi du học, đừng chỉ học trong sách vở. Hãy tìm các video của người nước ngoài hoặc xem các bộ phim của của họ để biết cách nói tiếng Anh của nhiều vùng khác nhau.
4. Thời điểm
Nhiều người hỏi mình nên đi vào lúc nào? Đi du học từ cấp 3 hay nên đợi đến khi học đại học,thạc sĩ, tiến sĩ? Việc này lại phụ thuộc vào hoàn cảnh và khả năng tài chính của mỗi người.
Dù là gì đi nữa thì mình thật lòng khuyên các bạn nên chuẩn bị trước ít nhất 1 năm. Hai thứ cơ bản bạn cần sẽ là ngoại ngữ và kĩ năng sống. Dành càng nhiều thời gian để trau dồi khả năng ngoại ngữ và những kĩ năng mềm, bạn sẽ càng dễ thích nghi với môi trường mới. Và tất nhiên, nhờ vậy mà cuộc sống du học của bạn sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều.
Nếu bạn dưới 18 tuổi, hãy chuẩn bị tinh thần rằng thủ tục đi du học của bạn sẽ rắc rối hơn nhiều! Số tiền bạn bỏ ra cũng sẽ nhiều hơn vì phải trả chi phí giám hộ. Chưa kể bạn sẽ không được phép đi làm thêm ở một số quốc gia hoặc được đi làm với mức lương thấp hơn những người trên 18 tuổi.
Có nhiều người thắc mắc rằng nếu đã trên 30 tuổi mà đi du học thì có muộn không? Câu trả lời của mình là “KHÔNG”. Độ tuổi không ảnh hưởng đến việc bạn có khả năng du học thành công hay không, miễn là bạn vẫn ở trong khung tuổi do nước sở tại quy định. Một số quốc gia chỉ cấp thị thực dưới dạng “working visa” cho những người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi). Nếu bạn đi du học để định cư theo loại visa này thì độ tuổi mới cần phải cân nhắc.
Một câu hỏi nữa đó là mùa dịch có nên đi du học không? Câu trả lời của mình nằm trong bài viết này nhé: “Du học mùa dịch: Nên hay không?”
5. Sức khỏe
Hãy nghiên cứu thật kĩ khí hậu, thời tiết của nơi bạn muốn tới. Nhiều bạn học sinh không chịu nổi cái lạnh ở Nga hay Canada đã phải trở về. Chưa kể những bạn hay bị di ứng (tùy theo mức độ) với thời tiết.
Mình khuyên các bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát trước khi đi du học để phát hiện những nguy cơ bệnh tật. Y học ở các nước phát triển có thể hơn Việt Nam nhưng có một sự thật là chi phí cho y tế rất đắt đỏ, đặc biệt là ở Mỹ. Một số nước còn yêu cầu bạn không mắc bệnh (hoặc không có nguy cơ mắc bệnh) về phổi như Anh và Úc để duyệt visa du học của bạn.
6. Ngành học
Việc chọn ngành học sẽ tùy vào sở thích và mục tiêu của bạn. Bạn chọn ngành mình thích học hay chọn bừa thì mình sẽ không bàn đến. Nhưng nếu bạn nghiêm túc suy nghĩ về việc ngành mình học ra trường có dễ xin việc và định cư không thì hãy cân nhắc. Các nước Mĩ, Anh, Canada, Úc,… đều có một danh sách các ngành nghề được phép định cư khác nhau. Hãy xem thật kĩ để chắc chắn ngành mình học có thể xin được những việc có trong danh sách đó. Một điều cần lưu ý là danh sách này thay đổi hằng năm. Hãy cập nhật thường xuyên nhé!
Các bạn cũng đừng sợ việc chọn sai ngành vì việc này thật sự không nghiêm trọng lắm đâu! Nếu bạn cảm thấy mình không phù hợp với ngành mình đang chọn, bạn có quyền thay đổi. Điều quan trọng là bạn có đủ bản lĩnh để thực hiện hay không!
Mình học ngành Tài chính, đi làm trong ngành Dịch vụ, đi dạy thêm tiếng Anh và hiện tại đang học về Public Relations (Quan hệ công chúng) và viết blog!
Nếu bạn thật sự không biết mình muốn gì, hãy thử nhiều thứ! Không thử thì làm sao bạn tìm ra được đâu là ngành bạn thích nhất!
7. Trường học
Khi đã chọn xong ngành mình muốn học, các bạn sẽ đến bước tiếp theo là chọn trường. Bạn có thể dựa vào các tiêu chí sau để chọn:
Thứ nhất: Danh tiếng – thương hiệu – độ nhận diện
Một điều có thể bạn chưa biết đó là việc các nhà tuyển dụng khi nhìn vào đơn xin việc của bạn thường sẽ chú ý vào ngôi trường bạn đã theo học hơn là số điểm mà bạn đạt được. Bởi vì để vào được các trường “top” đồng nghĩa với việc bạn đã giỏi rồi. Thêm một điều nữa là độ nhận diện của trường. Mình cho bạn một ví dụ để dễ hình dung nhé. Trường đại học mình từng theo học ở Úc là University of Wollongong nằm trong top 10 của Úc và top 250 trường tốt nhất thế giới. Thế nhưng sự thật là độ nhận diện của trường tại Việt Nam là rất thấp, tức là ít ai biết về ngôi trường này. Nhưng nếu một bạn tốt nghiệp từ University of Technology Sydney – ngôi trường đồng hạng với trường mình thì sẽ thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng hơn bởi vì trong tên trường có chữ “Sydney”. Ít nhất người ta sẽ biết được ngôi trường đó nằm tại một trong những thành phố lớn của nước Úc. Con trường mình thì hay bị nhầm là một trường “tào lao” nào đó ở Mĩ!?! Các nhà tuyển dụng không có thời gian để mà ngồi gõ tên trường bạn học trên Google để xem độ nổi tiếng của nó đâu. Vì vậy khi chọn trường học, hãy chú ý đến độ nhận diện nhé!
Thứ hai: Tài chính
Tùy vào tình hình tài chính của bạn mà bạn có thể chọn ngôi trường phù hợp. Trường “top” thì tất nhiên học phí sẽ cao ngất ngưỡng mà chất lượng dạy học thì chưa chắc đã hơn các trường khác. Lí do mình đã chọn học ở University of Wollongong là vì mình nhận được học bổng 50% của trường.
Thứ ba: Vị trí của trường
Đây là một điều bạn phải hết sức chú ý khi chọn trường. Vị trí của trường sẽ quyết định đến những trải nghiệm và cơ hội của bạn. Bạn đến mục 8 dưới đây để tìm hiểu thêm nhé!
8. Thành phố:
Nếu bạn chọn trường ở các thành phố nhỏ hay ở vùng ít người, điểm tốt là học phí và sinh hoạt phí sẽ rẻ hơn. Cuộc sống ở những nơi này cũng yên bình hơn. Bạn cũng có thể dễ dàng xin visa định cư theo chính sách khuyến khích của một số nước như Úc hay Canada. Nhưng điều bất lợi dễ thấy nhất đó chính là sự hạn chế về cơ hội việc làm. Ít người thì ít việc! Các sự kiện ở thành phố nhỏ cũng ít hơn nên bạn sẽ không có nhiều trải nghiệm cũng như việc mở rộng mối quan hệ.
Còn đối với những thành phố lớn thì học phí và sinh hoạt phí chắc chắn sẽ cao hơn nhưng bù lại bạn có rất rất nhiều cơ hội để phát triển. Các lễ hội văn hóa, sự kiện âm nhạc, thể thao,… đều diễn ra tại đây. Cơ hội việc làm ở các thành phố lớn là rất nhiều. Đối với những bạn nào thích mua sắm thì sống ở các thành phố lớn thì đúng là thiên đường rồi!
Còn nếu bạn muốn chi phí rẻ mà vẫn có nhiều cơ hội thì hãy tham khảo cách thành phố của mình. Mình chọn một trường tại thành phố Wollongong, thuộc bang New South Wales của Úc. Tuy Wollongong chỉ là một thành phố nhỏ nhưng chỉ cách Sydney 1 tiếng rưỡi đi tàu. Vì vậy mình vừa có thể tận hưởng được lợi ích từ hai nơi. Nếu muốn đi du học rẻ mà vẫn có thể trải nghiệm một cách đầy đủ thì các bạn có thể chọn những vùng ngoại ô hay vùng ven của các thành phố lớn giống mình nhé!
9. Quốc gia:
Thực ra kiến thức bạn được học của cùng một ngành dù là ở Mỹ, Anh hay Việt Nam cũng không khác gì mấy đâu. Điều quan trọng của việc đi du học không phải là kiến thức mà là trải nghiệm, trừ khi bạn có mục đích khác. Lời khuyên của mình là hãy tìm hiểu thật văn hóa của nước mà bạn muốn đến xem thử bản thân có thật sự muốn khám phá đất nước đó hay không nếu bạn muốn đi du học để trải nghiệm. Thứ theo bạn cả đời chính là những kỉ niệm, kí ức về nơi bạn sống chứ không phải là những gì bạn được học trong trường.
Còn nếu bạn muốn du học để trở thành thường trú nhân của nước đó hoặc muốn đổi màu hộ chiếu thì hãy tìm hiểu đất nước nào đang có chính sách khuyến khích người lao động nước ngoài. Hiện tại thì Canada là nước đang mở rộng cánh cửa cho người nhập cư nhất trên thế giới. Về Úc, tuy chính sách nhập cư đã khắt khe hơn rất nhiều so với những năm về trước và số lượng ngành được phép xin thường trú nhân cũng ít lại. Nhưng nếu bạn học tập và làm việc tại các vùng “regional” – những vùng quê, ít dân của nước Úc thì sẽ dễ dàng để xin thường trú hơn nhiều nhé.
10. Chọn trung tâm tư vấn du học
Trung tâm tư vấn du học có tâm và có tầm sẽ giúp con đường du học của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều! Bây giờ là thời đại công nghệ thông tin rồi nên bạn sẽ không cần thường xuyên đến các trung tâm tư vấn để hoàn thành hồ sơ như ngày xưa nữa. Vì thế, việc chọn trung tâm tư vấn du học cũng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lí. Đừng chỉ nhìn vào tỉ lệ đậu visa để chọn bởi vì sự thật là ai cũng có thể làm giả con số đó!
Vậy thì làm sao để chọn đúng? Hãy hỏi những người người đã và đang đi du học mà bạn biết! Họ chính là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất. Bạn cũng thể lên Google đọc phần “Review” về các công ti tư vấn du học nhưng hãy cẩn thận vị một số công ti có thể thuê người để viết đánh giá tốt.
Nêu bạn muốn đi du học Mĩ, Anh, Úc, Canada hay Singapore, các bạn có thể tìm hiểu về IDP. Đây là trung tâm đã đồng hành cùng mình trong 2 lần mình đi du học (học đại học ở Úc và thạc sĩ ở Anh). Trung tâm còn có thể giúp bạn săn những học bổng giá trị nữa!
Các bạn có thể đọc bài viết review về trung tâm IDP Đà Nẵng của mình tại đây nhé!
Ngoài ra mình còn biết đến một trung tâm chuyên làm hồ sơ du học Anh quốc đó là United Kingdom Education Centre – UKEC, các bạn cũng có thể tham khảo nhé!
Trên đây là những chia sẻ của mình! Bài viết hơi dài! Mình cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc đến đây. Nhưng dù ai có nói gì, đừng quên quyết định nằm trong tay bạn!
Chúc các bạn du học thành công!
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về hành trình du học của mình tại đây:
TẠI SAO MÌNH LẠI ĐI DU HỌC NGAY MÙA DỊCH?
NHỮNG HIỂU LẦM THƯỜNG GẶP VỀ DU HỌC SINH
ĐI DU HỌC: BAO NHIÊU TIỀN LÀ ĐỦ? (Phần 1: Úc)
DU HỌC SINH ĐI LÀM THÊM KIẾM ĐƯỢC BAO NHIÊU TIỀN? (Phần 1:Úc)
CÂU CHUYỆN LÀM THÊM CỦA MÌNH! (Phần 1)
Xem hành trình đến xứ sở sương mù của mình tại đây.
Xem hành trình trên xứ sở chuột túi của mình tại đây.
*XIN LƯU Ý: Nội dung trên đây thuộc sở hữu của trang web Hành trình của Jenjen. Nếu bạn muốn sao chép hoặc sử dụng bất kì nội dung của trang web, vui lòng để lại bình luận dưới các bài viết hoặc liên lạc qua địa chỉ email: jenng279@gmail.com. Mong bạn ghi rõ link và nguồn khi chia sẻ mọi nội dung của trang web jenjenjourney.com đến các phương tiện khác! Chân thành cảm ơn!