TRÊN ĐỜI NÀY KHOẢNG CÁCH NÀO LÀ DÀI NHẤT?
TRÊN ĐỜI NÀY KHOẢNG CÁCH NÀO LÀ DÀI NHẤT?
Đối với mọi người, khoảng cách nào là dài nhất?
Có người nói đường đến Mặt Trời là xa nhất.
Có người nói vũ trụ bao la, khoảng cách dài nhất là dương vô cực.
Có người nói lòng người mới là thứ không thể đo được.
Nhưng với mình, khoảng cách dài nhất chính là KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ!
Chuyện ngày xửa ngày xưa…
Cho mình hỏi những bạn thuộc thế hệ Y và Z (những ai sinh sau năm 1980), có ai từng nghe bố mẹ kể về chuyện chiến tranh ngày xưa chưa? Mình tin là hầu như ai cũng đã nghe rồi!
“Ngày xưa chiến tranh toàn trốn dưới hầm đất. Chỉ cầu trời cho giặc đừng thả bom ngay hầm!”
“Ngày xưa toàn ăn khoai, sắn chứ làm gì có gạo mà nấu!”
“Ngày xưa có mấy ai học hành đàng hoàng đâu. Mới bé tí đã phải đi gánh nước, ra đồng làm việc!”
“Ngày xưa cực khổ chứ đâu có sướng như mấy đứa nhỏ bây giờ!”
Và nhiều nhiều cái “ngày xưa” nữa…
Thế hệ Y và Z, dẫu đã học bao nhiêu cuốn sách lịch sử, xem bao nhiêu phim tài liệu, nghe biết bao câu chuyện của những người đi trước, cũng chẳng thể nào hiểu hết được!
Chuyện nhạc rap…
Mọi người cũng biết những năm gần đây, nhạc rap dần trở nên quen thuộc với giới trẻ. Nếu ngày trước rap ở Việt Nam chỉ là một phần nhỏ của bài hát thì bây giờ, vị thế của rap đã được nâng cao trên các bảng xếp hạng nhạc Việt. Nhờ “Rap Việt” và “King of Rap” năm vừa qua, rap đã đến gần hơn với mọi người ở mọi lứa tuổi. Đến quán cà phê nào cũng nghe “Em on top không phải trending…” của BinZ. Rồi mình lướt Facebook còn thấy mấy video của các cụ ngân nga câu rap melody của Justatee: “Giọng ca vàng trong xóm đi vào, dạt sang một bên hết đi nào…”
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đâu đó vẫn còn nghe những câu: “Không biết bọn trẻ thời nay nghe cái nhạc gì mà như đấm vào tai!”, “Hát cái gì mà không nghe được cái gì cả vậy mà bảo hay!” Với họ, nhạc dân ca, quê hương, trữ tình, hay nhạc bolero, nhạc Trịnh mới là tinh túy!
Người lớn tuổi không hiểu được rap, người trẻ không thấm nổi nhạc xưa…
Khoảng cách đó biết đến lúc nào mới được xóa bỏ?
Chuyện xăm mình…
Chuyện xăm mình chẳng còn xa lạ với chúng ta nữa. Xăm là một nghệ thuật! Nhưng với nhiều người thuộc thế hệ của bố mẹ mình, dù có đẹp đến mấy, cũng bị nhìn với một ánh mắt, nếu dùng từ “kì thị” ở đây thì hơi quá, nhưng có ý là như vậy! Xăm mình là ăn chơi, là đua đòi, là hư hỏng – suy nghĩ này dường như đã ăn sâu trong đầu nhiều người. Và không biết vô tình hay cố ý đã tạo nên một trong những ranh giới giữa hai thế hệ.
Chuyện tình yêu…
Ông bà chúng ta ngày xưa đến với nhau bằng miếng trầu miếng cau, bằng chén rượu gạo dân dã… Và cứ thế nắm tay nhau đi qua bom đạn của chiến tranh, đi qua bao giông tố cuộc đời.
Chúng ta ngày nay đến với nhau bằng xe bốn bánh, nhà hai lầu, đến Đà Lạt chụp ảnh cưới, tuần trăng mật ở khách sạn năm sao… Và chúng ta cũng nắm tay, hứa sẽ bên nhau trọn đời. Nhưng đến một ngày… hai chữ “duyên phận” lại bị đem ra làm cái cớ cho việc không muốn ở bên nhau nữa.
Và rồi lại nghe một câu nói: “Bọn trẻ bây giờ thực dụng quá!”
Đừng hỏi mình ai đúng ai sai, bởi vì chẳng có đúng và sai. Mỗi thế hệ, thậm chí là mỗi con người là mỗi cái nhìn khác nhau về cuộc sống. Dù có cởi mở, chia sẻ chân thành đến bao nhiêu vẫn có những lúc mâu thuẫn. Mình không đủ kinh nghiệm sống để chỉ cho bạn biết phải làm gì để dung hòa những xích mích trong tư tưởng và quan niệm sống. Nhưng có một điều mình học được từ trong chính gia đình mình để rút ngắn khoảng cách thế hệ, đó chính là hai chữ “tôn trọng”.
Vậy gia đình mình đã làm gì để rút ngắn khoảng cách thế hệ? Mọi người đọc bài viết tiếp theo tại đây nhé: LÀM SAO ĐỂ RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ?
*Nguồn ảnh: canva.com
Có thể bạn sẽ thích đọc:
CÓ MỘT NGƯỜI MẸ MANG TÊN BÀ NGOẠI
*XIN LƯU Ý: Nội dung trên đây thuộc sở hữu của trang web Hành trình của Jenjen. Nếu bạn muốn sao chép hoặc sử dụng bất kì nội dung của trang web, vui lòng để lại bình luận dưới các bài viết hoặc liên lạc qua địa chỉ email: jenng279@gmail.com. Mong bạn ghi rõ link và nguồn khi chia sẻ mọi nội dung của trang web jenjenjourney.com đến các phương tiện khác! Chân thành cảm ơn!