CÓ NÊN ĐI DU HỌC HAY KHÔNG?
CÓ NÊN ĐI DU HỌC HAY KHÔNG?
Đây là câu mà mình được rất nhiều người hỏi, cả phụ huynh và học sinh. Bài viết này mình sẽ giúp mọi người trả lời cho câu hỏi “Có nên đi du học hay không?”
Thường thì trước khi quyết định một việc gì đó, mình sẽ tự ghi ra những mặt lợi, mặt hại và cả những thách thức, cơ hội đem lại.
Vậy mặt lợi của việc đi du học là gì?
Thứ nhất: Ngoại ngữ
Một điều không thể phủ nhận là dù ít hay nhiều, dù là nghe, nói, đọc, hay viết thì kĩ năng ngoại ngữ của bạn sẽ được phát triển. Môi trường là một trong những yếu tố quan trọng cho việc học ngoại ngữ. Nếu bạn nghe hay đọc một ngôn ngữ nào đó mỗi ngày thì chắc chắn phản xạ của bạn sẽ được cải thiện. Việc tiếp xúc với bạn bè từ khắp năm châu cũng sẽ là một lợi thế. Bạn sẽ biết được tiếng Anh không chỉ có giọng Mĩ, Anh, Úc. Ngoài ra bạn còn có cơ hội được học thêm ngoại ngữ thứ hai, thứ ba nữa đó. Trường mình theo học ở Úc có mở các khóa dạy tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Pháp,…, một số trong đó còn là khóa học miễn phí.
Có thể bạn quan tâm: HỌC TIẾNG ANH: BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Thứ hai: Giao lưu văn hóa
Người ta nói “nhập gia tùy tục” chẳng bao giờ sai. Đến sinh sống và học tập tại một quốc gia mới thì bạn sẽ học được rất nhiều điều từ văn hóa của họ. Và dù có muốn hay không, có những quy định ngầm bạn nhất định phải theo. Ví dụ như ở Anh có văn hóa xếp hàng. Đừng dại dột chen ngang hàng ở bất cứ nơi nào ở Anh nếu bạn không muốn bị “tặng” cho những ánh mắt khó chịu và bị đánh giá xấu. Hoặc nếu đến Trung Quốc, bạn sẽ phải quen dần với văn hóa thanh toán của họ. Bạn sẽ nghe câu hỏi: “Bạn trả bằng Wechat hay Alipay?” thay vì “Bạn muốn trả tiền mặt hay thẻ?”

Thứ ba: Tự lập và trưởng thành
Đi du học chính là tập làm mọi thứ một mình. Không có người thân bên cạnh, bạn sẽ tự mình bắt đầu một cuộc sống mới. Bạn sẽ học được rất nhiều điều mà nếu ở Việt Nam bạn sẽ không biết được.
Các bạn có thể đọc 10 ĐIỀU ĐI DU HỌC ĐÃ DẠY MÌNH để biết thêm nhé!
Thứ tư: Cơ hội được đi du lịch
Đã đầu tư một khoảng tiền lớn để xuất ngoại rồi thì còn ngại gì việc đi du lịch khám phá đất nước mới nữa nhỉ? Hãy đi đến những thành phố khác và trải nghiệm. Bạn sẽ không bao giờ hối hận đâu. Mình bật mí một điều nữa là nếu hộ chiếu của bạn có những con dấu của các nước phát triển thì việc sau này xin visa du lịch đến những nước khác cũng sẽ dễ dàng hơn đấy!
Thứ năm: Cơ hội phát triển sự nghiệp
Được ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp là một cơ hội tốt để phát triển sự nghiệp của bạn. Ở các nước càng phát triển, cơ hội việc làm sẽ càng nhiều. Đi làm ở các quốc gia tiên tiến, bạn sẽ học được cách họ vận hành, kinh doanh và lấy đó làm kinh nghiệm cho bản thân nếu bạn muốn start-up. Tốt nghiệp đại học và đi làm nước ngoài sẽ là điểm sáng trong CV của bạn!
Thứ sáu: Cơ hội định cư
Sẽ là thiếu sót nếu mình không nhắc đến việc này. Dân số già và thiếu hụt lao động đang là vấn đề của các nước phát triển. Canada hiện nay đang là đất nước mở rộng cánh cửa cho những du học sinh muốn ở lại. Vương quốc Anh cũng vừa có quy định về việc cho phép các sinh viên quốc tế ở lại 2 năm sau khi tốt nghiệp để đi làm, việc này khiến cơ hội được bảo lãnh ở lại Anh để làm việc cao hơn trước đây. Nước Úc cũng đang khuyến khích những người đến sinh sống tại các vùng quê và đảo Tasmania. Nếu bạn muốn sống tại những quốc gia phát triển thì du học chính là một trong những con đường để bạn thực hiện ước mơ.
Thế nhưng mặt trái của việc đi du học cũng không ít.
Thứ nhất: Cô đơn
Đây sẽ là cảm giác đầu tiên khi bạn bước chân đến xứ người. Hầu như ai cũng sẽ trải qua việc nhớ nhà, người thân, bạn bè. Đi du học đồng nghĩa với việc bạn bỏ lại mọi thứ đằng sau để bắt đầu một hành trình mới và hãy sẵn sàng chuẩn bị tâm lí rằng bạn sẽ đi một mình. Đến một đất nước xa lạ với rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa, bạn sẽ tốn nhiều thời gian để tự tìm cách thích nghi. Buồn nhất có lẽ là đến những dịp lễ Tết. Trong khi mọi người ở Việt Nam được nghỉ ăn Tết thì bạn có thể phải đang bận rộn với thi cử và vẫn phải đi làm bình thường. Tình huống tệ hơn là nếu bạn đau ốm ở nước ngoài sẽ không có ai chăm sóc.
Thứ hai: Nhiều cạm bẫy
Đến một nước phát triển hơn học tập không có nghĩa là bạn sẽ chỉ được học những điều tốt. Ở đâu cũng vậy thôi, đều có tốt và xấu. Chuyện du học sinh bị bắt vì sử dụng, buôn bán và kể cả trồng cần sa đã không còn xa lạ nữa.
Thứ ba: Tốn kém
Học phí tại các nước như Anh, Úc, Mĩ có thể lên đến mười con số một năm chưa kể các khoản sinh hoạt khác. Dù bạn có nhận được học bổng thì chi phí bỏ ra cho việc làm hồ sơ và đi lại cũng không hề nhỏ.
Có thể bạn sẽ quan tâm: ĐI DU HỌC: BAO NHIÊU TIỀN LÀ ĐỦ? (Phần 1: Úc)
Thứ tư: Trầm cảm
Đừng bất ngờ khi mình nói ra việc này. Trầm cảm vì thi cử cũng có. Trầm cảm về tài chính cũng có. Nhiều bạn gia đình không khá giả, phải chật vật đi làm thêm để kiếm tiền đến quên ăn quên ngủ, đừng nói đến việc học. Kết quả bị thi lại, rớt môn và phải đi làm thêm để đóng tiền học lại. Một vòng lẩn quẩn cứ thế mà tiếp diễn. Miền đất hứa bỗng nhiên trở thành nơi bạn muốn trốn thoát nhất!
Thứ năm: Đồ ăn
Hãy chấp nhận việc bạn sẽ không được ăn những món ăn mà mình thích như ở Việt Nam. Ở nhiều nước thật ra vẫn có khu người Việt, nhưng chưa chắc gần nơi bạn sống. Một điều nữa là giá thành ở đó khá cao. Một tô phở ở Việt Nam tầm 50 nghìn, nhưng ở Úc sẽ vào khoảng 16 đô la (gần 300 nghìn), ở Anh sẽ là 10 bảng (gần 320 nghìn). Một ly trà sữa ở Việt Nam tầm 50 nghìn thì ở Úc và Anh sẽ vào khoảng 100 nghìn trở lên.

Chờ đón bài review đồ ăn Việt Nam ở nước ngoài của mình nhé!
Thứ sáu: Sốc văn hóa và sốc văn hóa ngược
Sốc văn hóa là điều mà nhiều người hay nghe nhất khi nói về những khó khăn của du học sinh. Mỗi quốc gia, mỗi vùng miền sẽ là một phong cách sống riêng. Bạn sẽ bất ngờ khi thấy các bạn học sinh người Ấn Độ dùng tay để bốc thức ăn. Bạn sẽ bất ngờ khi thấy người Úc đổ bia vào giày để uống.
Vậy còn sốc văn hóa ngược là gì? Đó chính là khi du học sinh trở về Việt Nam. Nhiều bạn nghĩ cầm trên tay tấm bằng quốc tế rồi thì sẽ dễ kiếm việc làm lương cao. Nhưng thực tế thị trường việc làm ở đâu cũng khốc liệt như chiến trường. Chỉ với 1 tấm bằng, chưa có kinh nghiệm, lấy lí do gì để nhà tuyển dụng chọn bạn thay vì một bạn sinh viên mới ra trường ở Việt Nam với mức lương thấp hơn? Chính mình cũng bị sốc văn hóa ngược. Mình đi du học khi chưa đủ 18 tuổi, nghĩa là mình chưa có bằng lái xe. Khi đến Úc, mình chủ yếu dùng phương tiện công cộng để đi học và đi làm. Vì vậy khi về Việt Nam (mọi người biết giao thông Việt Nam thế nào rồi đấy), dù có thể đi xe máy nhưng mình vẫn không dám lái ra đường.
Trên đây là hai mặt trái phải của việc đi du học mà mình đã liệt kê ra.
Về quan điểm của mình, nếu bạn có đủ tiền, đủ đam mê và quyết tâm đủ để đương đầu với những thử thách thì hãy cứ đi. Bạn chỉ sống có một lần, thanh xuân của bạn cũng chỉ có một lần. Ra đi một ngày là hối hận một ngày. Nhưng nếu không đi, sẽ là hối hận cả đời. Người ta thường sẽ chỉ hối tiếc vì những gì mình không làm thôi chứ không phải vì những điều đã làm. Mình là cựu du học sinh Úc. Sau 2 năm đi làm thì mình lại sang Anh học thạc sĩ. Nếu du học là điều không nên thì mình đã không đi đến hai lần!
Hi vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho những ai còn đang phân vân giữa việc nên học tập ở Việt Nam và nước ngoài.
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về hành trình du học của mình tại đây:
NHỮNG ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH ĐI DU HỌC
TẠI SAO MÌNH LẠI ĐI DU HỌC NGAY MÙA DỊCH?
NHỮNG HIỂU LẦM THƯỜNG GẶP VỀ DU HỌC SINH
ĐI DU HỌC: BAO NHIÊU TIỀN LÀ ĐỦ? (Phần 1: Úc)
DU HỌC SINH ĐI LÀM THÊM KIẾM ĐƯỢC BAO NHIÊU TIỀN? (Phần 1:Úc)
DU HỌC SINH CÓ NÊN ĐI LÀM THÊM?
CÂU CHUYỆN LÀM THÊM CỦA MÌNH! (Phần 1)
Xem hành trình đến xứ sở sương mù của mình tại đây.
Xem hành trình trên xứ sở chuột túi của mình tại đây.
*XIN LƯU Ý: Nội dung trên đây thuộc sở hữu của trang web Hành trình của Jenjen. Nếu bạn muốn sao chép hoặc sử dụng bất kì nội dung của trang web, vui lòng để lại bình luận dưới các bài viết hoặc liên lạc qua địa chỉ email: jenng279@gmail.com. Mong bạn ghi rõ link và nguồn khi chia sẻ mọi nội dung của trang web jenjenjourney.com đến các phương tiện khác! Chân thành cảm ơn!