NHỮNG KHÓ KHĂN NGÀY ĐẦU ĐI DU HỌC
NHỮNG KHÓ KHĂN NGÀY ĐẦU ĐI DU HỌC
Đi du học là đến với một đất nước hoàn toàn xa lạ và đối diện với vô vàn khó khăn. Bài viết này mình sẽ kể ra những khó khăn ngày đầu đi du học của mình cũng như nhiều bạn du học sinh khác, và cả cách mình vượt qua nhé!
1. Jet lag – lệch múi giờ:
Đây có thể nói là khó khăn đầu tiên mà mỗi du học sinh đều trải qua khi đến với một đất nước xa lạ. Đối với những bạn học ở Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc thì có lẽ đây không phải là vấn đề lớn vì chỉ lệch với Việt Nam từ 1-2 giờ. Nhưng với những bạn học ở Úc, châu Âu, xa hơn là Mỹ và Canada thì đây có lẽ là một điều khó chịu vì lệch với Việt Nam từ 3 đến 12 giờ. Dù là ít hay nhiều, giấc ngủ và giờ giấc sinh hoạt của các bạn du học sinh cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nhớ ngày đầu mình mới qua Anh, lệch với Việt Nam đến 7 tiếng nên mình đi ngủ từ lúc 8 giờ tối và dậy lúc 3 giờ sáng. Lúc thức dậy thì cũng là giờ trưa ở Việt Nam rồi nên rất đói bụng. Vậy mà đâu có dám dậy nấu đồ ăn vì sợ mọi người trong nhà thức giấc! Nhưng rồi mình cố kìm chế cơn buồn ngủ vào lúc 7-8 giờ tối và cố gắng ngủ muộn hơn hôm trước 1 giờ. Vậy là sau một tuần, mình đã có thể bắt kịp với thời gian ở Anh.
2. Đồ ăn không hợp khẩu vị
Chắc mọi người đều đồng ý với mình rằng đồ ăn ở nhà là ngon nhất đúng không? Đến một thành phố khác đồ ăn đã không hợp khẩu vị huống hồ gì là đi ra nước ngoài. Những ngày đầu đến Úc, mình ở tại một homestay nên được cho ăn toàn đồ Tây: thịt bò bít tết, mỳ Ý, pizza,… Vốn không phải là một fan của đồ Tây, lại là một người khá kén ăn nên hầu như mình ăn rất ít. Nhưng mình may mắn gặp được cô chủ nhà tốt bụng, lúc nào cũng hỏi mình thích ăn gì để cô nấu cho. Sau này mình biết được những nơi bán đồ châu Á nên tự đi chợ nấu ăn. Có lẽ nhờ việc đi du học mà rất nhiều du học sinh đã trở thành những đầu bếp chuyên nghiệp rồi phải không?
3. Rào cản ngôn ngữ
Đây có thể là khó khăn lớn nhất đối với các bạn du học sinh. Ở Việt Nam có thể bạn được IELTS 7.0 – 8.0 nhưng chưa chắc bạn đã hiểu được người bản ngữ nói chuyện. Vì đơn giản, khi bạn học Tiếng Anh, đa số những nguồn bạn nghe đều là tiếng Anh “chuẩn” và được nói với tốc độ vừa phải. Còn tiếng Anh thực tế lại là một chuyện khác! Tiếng Anh lười, từ lóng, phương ngữ, giọng địa phương,… là những thách thức không hề nhỏ.
Năm đầu tiên mình qua Úc, mình hầu như không hiểu được những gì thầy cô nói trên lớp. Mình học bằng cách đọc sách và nhờ bạn bè người Việt giảng lại. Sau này, mình quen nhiều bạn người Úc hơn nên khả năng nghe hiểu đã cải thiện hơn rất nhiều. Mình còn xem rất nhiều kênh nói tiếng Anh trên Youtube để tập nghe và nói. Trước đó, khi học IELTS, nghe có lẽ là kĩ năng mình lo sợ nhất và cũng là kĩ năng mình được thấp điểm nhất. Nhưng bây giờ, đó chính là kĩ năng mình được điểm cao nhất.
Có thể bạn sẽ quan tâm bài viết: “Học tiếng Anh – bắt đầu từ đâu?” của mình
4. Không hợp thời tiết
Mỗi vùng miền, quốc gia là mỗi khí hậu khác nhau và việc nhiều bạn bị dị ứng hay bị ốm vì không hợp thời tiết cũng là điều dễ hiểu. Mình cũng biết vài bạn vì không thích nghi được với thời tiết nước ngoài nên đành phải trở về Việt Nam. Đây có lẽ là điều bất khả kháng! Những ngày đầu qua Anh, mình lạnh đến mức bật máy sưởi cả ngày, không dám đi ra ngoài. Thời tiết ở đây cũng khá ẩm ướt và hay mưa. Mình từng chứng kiến một lần tuyết và mưa xuất hiện cùng lúc. Nhưng dần dần mình cũng tập quen với cái lạnh đó. Về kinh nghiệm sống ở xứ lạnh chắc mình không dám so sánh với các bạn du học sinh ở Nga hay Canada nhưng mình cũng muốn chia sẻ một vài điều, biết đâu có thể giúp được bạn nào đó muốn đi Anh và Úc.
- Trong hành lí đi du học hãy chuẩn bị thật nhiều quần áo giữ nhiệt, khăn choàng, mũ len, bao tay và tất. Về áo khoác bạn có thể mang ít vì nặng. Ra nước ngoài bạn có thể mua vì giá lúc sale off cũng ngang với Việt Nam, mẫu mã cũng đa dạng.
- Luôn có một đôi boots để mang khi trời mưa. Vì ở Anh và Úc đi bộ rất nhiều, mà thời tiết lại thất thường, chắc bạn sẽ không muốn bước đi trong một đôi giày ướt đẫm đâu nhỉ?
- Nếu bạn có thể dùng dầu gió, hãy mang theo vài chai nhỏ. Bạn sẽ không hối hận mỗi lần trời trở lạnh đâu!
5. Khác biệt văn hóa
Việt Nam nhỏ bé, đi từ Bắc vào Nam đã thấy bao nhiêu điều khác biệt đừng nói gì là đến một quốc gia khác, đặc biệt là các nước phương Tây. Bạn có lẽ sẽ thấy lạ khi nhìn mọi người đều đứng sang một bên khi đi thang cuốn, khi nhìn thấy một em bé mới 1-2 tháng tuổi đã được bố mẹ bế đi du lịch, khi nhìn người khác dùng tay bốc đồ ăn và nhiều nhiều điều lạ khác nữa. Khác biệt văn hóa không thể xóa đi nhưng có thể rút ngắn. Tôn trọng và cởi mở có lẽ là những cách tốt nhất để dung hòa.
6. Tìm bạn mới
Vì bất đồng ngôn ngữ và văn hóa nên việc kết bạn sẽ khó khăn. Nhiều bạn đi du học nhưng chỉ chơi với toàn người Việt, kết quả là vốn tiếng Anh ít được cải thiện, trải nghiệm ở đất khách của bạn sẽ không trọn vẹn. Mình không nói đây là điều không tốt. Việc ở cùng với người Việt là một điều khá hay vì cùng văn hóa, ít nhiều cũng sẽ hỗ trợ nhau những ngày còn chân ướt chân ráo. Nhưng khi bạn đã làm quen với cuộc sống mới, đã quen nhiều bạn ngoại quốc mới ở trường, bạn có thể tìm nhà mới và sống cùng với họ. Một cách nữa đó là tham gia các hoạt động tình nguyện, câu lạc bộ, hội nhóm ở trường. Ở đây bạn sẽ gặp được nhiều người, học nhiều điều hay về văn hóa nước bạn để khiến cho hành trình du học của bạn trở nên có ý nghĩa hơn.
7. Tìm đường, di chuyển
Không biết ở đây có ai bị bệnh “mù đường” giống mình không? Hai tháng đầu mới qua Úc, mình lần nào cũng cầm trên tay tấm bảng đồ của trường để tìm phòng học vì khuôn viên trường mình khá rộng. Rồi mình còn gặp rắc rối với việc đi tàu, đi xe buýt vì không nắm rõ lịch. Việc đi nhầm tàu, nhầm xe là chuyện cơm bữa những ngày đầu mình mới đi du học. Đối với những người mù đường thì Google Maps hay người dẫn đường có lẽ cũng chẳng giải quyết được gì. Cách duy nhất có lẽ là bị lạc vài lần rồi sẽ khôn ra. Mình biết là hơi buồn cười nhưng sự thật là như vậy!
8. Nhận dạng tiền
Đây có lẽ là điều dở khóc dở cười nhất, đặc biệt là khi nhắc đến tiền xu. Ở Anh có khá nhiều loại tiền xu với những kích cỡ và kiểu dáng khác nhau nên rất khó nhớ: 1 pence, 2 pence, 5 pence, 10 pence, 20 pence, 50 pence, 1 bảng và hai bảng (xem hình dưới). Chắc nhiều bạn du học sinh sẽ hiểu cảm giác lúc thanh toán tiền với hóa đơn, lấy ví dụ là 5.79 bảng, nhưng đành phải đưa luôn tờ 10 bảng thay vì tờ 5 bảng và những đồng xu lẻ mình có vì ngại phải đứng nhận dạng tiền lâu. Hơn nữa có nhiều bạn sẽ thích dùng thẻ ngân hàng nên việc nhận diện tiền xu lại khó hơn. Cách khắc phục thì chắc có lẽ là đi mua sắm và thanh toán bằng tiền mặt nhiều thôi!

9. Cách học và giảng dạy
Cách giảng dạy của mỗi trường, mỗi bậc học, mỗi nước sẽ khác nhau nên sẽ không tránh việc nhiều bạn cảm thấy bị bỏ lại phía sau trong thời gian đầu đi du học. Chưa kể còn có rào cản về ngôn ngữ khiến cho việc hiểu bài sẽ khó khăn, kết quả học tập cũng không như mong muốn. Lời khuyên của mình chính là đọc thật nhiều sách về môn đó, nhờ bạn bè giảng bài lại và điều quan trọng nhất đó là lập ra kế hoạch học tập. Từ năm thứ hai đại học, mình đã có thói quen lập ra danh sách những deadline bài tập và dán lên tường nhà để nộp bài đúng hạn. Mình còn làm những “to – do list” cho mỗi tuần. Mình thấy cách này khá hiệu quả đối với mình vì nó giúp bản thân khỏi bị sao nhãng và tập trung vào việc mình cần làm hơn.
10. Vượt qua chính bản thân
Điều khó khăn cuối cùng mình muốn nhắc đến đó là chính bản thân bạn. Mình vẫn tin vào một câu: “Nếu muốn sẽ tìm cách, không muốn sẽ tìm lí do.” Nếu bạn thực sự muốn khám phá miền đất mới, sẽ chẳng có khó khăn nào có thể cản trở bạn. Vượt qua những nỗi sợ của bản thân chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng khi bạn bước qua được giới hạn của bản thân, bạn sẽ nhận ra mình suýt đã bỏ lỡ nhiều điều thú vị mà có thể làm cho năm tháng thanh xuân của bạn có ý nghĩa hơn nhiều.
Cảm ơn đã đón đọc!
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về hành trình du học của mình tại đây:
TẠI SAO MÌNH LẠI ĐI DU HỌC NGAY MÙA DỊCH?
NHỮNG ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH ĐI DU HỌC
NHỮNG HIỂU LẦM THƯỜNG GẶP VỀ DU HỌC SINH
ĐI DU HỌC: BAO NHIÊU TIỀN LÀ ĐỦ? (Phần 1: Úc)
DU HỌC SINH ĐI LÀM THÊM KIẾM ĐƯỢC BAO NHIÊU TIỀN? (Phần 1:Úc)
CÂU CHUYỆN LÀM THÊM CỦA MÌNH! (Phần 1)
Xem hành trình đến xứ sở sương mù của mình tại đây.
Xem hành trình trên xứ sở chuột túi của mình tại đây.
*XIN LƯU Ý: Nội dung trên đây thuộc sở hữu của trang web Hành trình của Jenjen. Nếu bạn muốn sao chép hoặc sử dụng bất kì nội dung của trang web, vui lòng để lại bình luận dưới các bài viết hoặc liên lạc qua địa chỉ email: jenng279@gmail.com. Mong bạn ghi rõ link và nguồn khi chia sẻ mọi nội dung của trang web jenjenjourney.com đến các phương tiện khác! Chân thành cảm ơn!